Thị trấn Trà Ôn nằm ở ngã ba con sông Hậu và sông Mang Thít hiền hòa quanh năm nước ngọt. Sông Hậu được thiên nhiên ban tặng nhiều loại thủy sản phong phú như cá: bông lau, ngát, phèn, lẹp, chẽm, hú, lăng, cóc, trèn, linh, cơm và tôm tép… Ngoài ra, còn có ba sa (cá nhỏ 100- 200g còn gọi là cá sát bụng). Cá ba sa cùng nhóm với cá bông lau, cá hú, cá tra nhưng hình dáng có khác nhau. Cá ba sa mình tròn, ngắn, bụng lớn nhiều mỡ, thịt trắng, khác với cá bông lau, cá tra thân thon dài và to hơn ba sa.
Mỗi năm khi dòng nước lũ tháng 9, tháng 10 từ thượng nguồn đổ xuống hạ lưu sông Hậu, sông Tiền, các loài thủy sản theo đó cũng tràn về là đến mùa ngư dân đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, cá ba sa chỉ có nhiều là vào trước và sau Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) khi dòng nước sông có phù sa màu gạch son. Cá ba sa xuống hạ nguồn, cá cái chọn nơi đây làm nơi sinh sản để bảo tồn nòi giống. Lúc này trên đoạn sông Hậu từ Cần Thơ xuống đến vàm Tân Dinh (Trà Ôn, Cầu Kè), cù lao Dung (Long Phú) cá ba sa “hội” đông đúc. Ngư dân ở xóm lưới Trà Ôn và ven bờ sông Hậu lại vào mùa đánh bắt cá ba sa.
Để ra sông, ngư dân phải chuẩn bị ngư cụ trước một tháng. Đơn giản là uốn một vòng cung tròn bằng sắt 6,8 ly, dài 2- 2,5m, canh vừa đủ 10, 12 lưỡi câu. Một sợi dây gân chắc cột chặt vào hai đầu vòng cung, chạy dọc theo sợi dây gân là lưỡi câu, cứ cách nhau khoảng gang tay là một lưỡi câu. Vòng câu cột vào một sợi dây dài móc trên mũi xuồng để lúc dính cá kéo lên gỡ, móc mồi thả xuống, mỗi xuồng câu có 2 đến 3 giàn câu.
Theo anh Ngân- người sống ở xóm lưới và hơn 20 năm sống nghề hạ bạc, mồi câu cá ba sa cũng giống mồi cá bông lau, thường là chuối xiêm, trùn và trứng kiến vàng được ốp lấy trọn ổ đem về làm mồi. Ngoài ra, theo anh Ngân- còn có những bí quyết “giấu nghề” để câu được nhiều cá. Đó là bài thuốc “bổ” từ các nhà thuốc Bắc về pha chế làm mồi. Với mồi câu này, mỗi ngày ngư dân câu từ 10- 20 con, có con nặng 2- 3kg. Cá ba sa không chỉ câu mà còn được ngư dân dùng lưới hay đáy quây bắt.
Đánh bắt được nhiều cá, ngư dân bán cho bạn hàng ở chợ Trà Ôn, Cầu Kè hoặc đưa lên chợ Cần Thơ. Tuy nhiên, đó là chuyện ngày xưa “lắm tôm, nhiều cá”, nay đến mùa cũng có cá lớn để “cung” cho quán nhậu, nhà hàng, sót lại đem bán ở chợ nhưng giá đắt. Ông Hai Cư- lão ngư ở đây- do tuổi già đã “gác lưới” chỉ còn con cháu theo nghề, bùi ngùi cho biết: “Lúc bác còn trẻ, cá tôm trên sông này nhiều lắm. Ra sông một buổi là đầy thuyền vừa bán vừa ăn không hết, còn nay cạn kiệt rồi. Bây giờ, cá tôm được nuôi ao, bè sao ngon bằng cá tôm sông?”
Ông Hai Cư kể làm tôi nhớ lại cách nay vài chục năm, mỗi chiều, tối lúc con nước lớn cuồn cuộn ở ngã ba vàm Trà Ôn, đến mùa cá bông lau, cá ba sa có hàng chục người với thú vui thư giãn ra vàm quăng câu. Thuở đó một đêm có người câu 1- 2 con cá bông lau 5- 6kg hay cá ba sa 2- 3kg là thường. Câu được cá, ngày sau gia đình có nồi canh chua, cá kho lạt, cá chiên tươi giằm nước mắm chua, tỏi, ớt quây quần ăn với cơm trắng nóng hổi, ngon đáo để. Còn cá sát bụng 5- 10 con nho nhỏ thì đem về làm sạch nấu cháo khuya ăn cũng ấm bụng.
Sông Hậu dòng nước vẫn lững lờ muôn thuở. Thiên nhiên ban tặng cho dòng sông này phù sa và thủy sản phong phú. Còn ngư dân đánh bắt thủy sản tuy vất vả nhưng cũng có nguồn thu nhập đáng kể.